Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 366939
Đang online: 3
ỨNG DỤNG ĐIỆN TRỊ LIỆU TRONG Y HỌC
17/02/2022
5217
Điện trị liệu là một trong những phương pháp vật lý trị liệu phổ biến, sử dụng các dòng xung điện có tần số thấp hoặc trung bình để kích thích các vùng trên cơ thể người bệnh. Điện trị liệu ngày nay được sử dụng nhiều trong các bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng. Phóng viên có cuộc trò chuyện về việc ứng dụng phương pháp này với Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Y học cổ truyền Long An - Bác sĩ Cù Thị Đức Quỳnh.
     Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, điện trị liệu có tác dụng gì trong phòng và điều trị bệnh theo y học cổ truyền?
     Bs. Cù Thị Đức Quỳnh: Điện trị liệu là một phương thức vật lý trị liệu, các dòng điện khác nhau như điện một chiều, xoay chiều, xung điện. Từ trường của dòng điện được ứng dụng vào phòng bệnh, điều trị và nâng cao sức khỏe. Ngày nay, lĩnh vực điện sinh học, thông tin tín hiệu điện ở người ngày càng được quan tâm nghiên cứu với mục đích chế tạo các thiết bị điện cấy ghép và thiết bị điện trị liệu cũng như ứng dụng dòng điện trong chẩn đoán, điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau.
     Trên lâm sàng, dòng điện được ứng dụng điều trị nhiều lĩnh vực như giảm đau trong đau thần kinh cấp và mạn tính; giảm đau và giảm phù nề các bệnh cơ xương khớp, thể dục cho cơ bị liệt hay bất động kéo dài, tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho cơ; điều trị các rối loạn chức năng tạng như bàng quang, sinh dục và cơ đáy chậu... Đặc biệt, phương pháp kích thích điện một chiều xuyên sọ cường độ thấp được dùng như liệu pháp làm tái tổ chức lại hoạt động của não sau đột quỵ
     Những kỹ thuật điện trị liệu thường dùng ở Bệnh viện Y học cổ truyền Long An có điều trị bằng các dòng điện xung, điện phân dẫn thuốc, điện trường cao áp.

     PV: Phương pháp điện trị liệu được áp dụng điều trị cho những chứng bệnh nào tại Bệnh viện Y học cổ truyền, thưa bác sĩ?

     Bs. Cù Thị Đức Quỳnh: Nói chung phương pháp điện trị liệu có thể chữa được rất nhiều triệu chứng bệnh. Tùy theo tổn thương, các phương pháp điện trị liệu được chỉ định sử dụng trong các trường hợp dưới đây:
     Một là làm giảm đau vai, đau cổ, đau lưng, đau thần kinh ngoại vi, đau cơ, đau khớp, đau do chấn thương.
     Hai là điều trị các bệnh về loạn dưỡng Sudeck, hội chứng Raynaud, bệnh về thần kinh vận mạch, thần kinh ngoại vi, rối loạn thần kinh thực vật, bệnh Buerger. Phục hồi cảm giác căng cơ sau phẫu thuật, chấn thương, chứng teo cơ do thời gian bất động kéo dài, những trường hợp yếu liệt cơ.
     Ba là kích thích cơ trong các chứng bại, liệt như: liệt nửa người, liệt hai chi dưới… Kích thích cơ trơn trong các trường hợp đại tiểu tiện mất tự chủ, giãn dạ dày, táo bón. Điều trị các rối loạn tuần hoàn cục bộ trong co mạch ngoại vi, thiếu máu cục bộ, co thắt đường tiêu hóa, co thắt túi mật.
     Năm là làm lành vết thương trong các trường hợp: vết thương chậm phục hồi, các vết thương sau phẫu thuật hoặc sau chấn thương như đụng dập, bầm tím, sai khớp…
     Sáu là chữa các bệnh về khớp như: thấp khớp, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, thoái hoá khớp... Chứng đau cơ, kéo giãn cơ, điều trị sẹo lồi chống xơ dính, đau dây thần kinh, viêm gân, …
      PV: Thưa bác sĩ, phương pháp điện trị liệu không được áp dụng trong những trường hợp nào?
     Bs. Cù Thị Đức Quỳnh: Mặc dù điện trị liệu có thể chữa được rất nhiều triệu chứng bệnh tuy nhiên phương pháp này không được sử dụng cho bệnh nhân có một trong các trường hợp sau: bệnh nhân mắc bệnh lao, ung thư, người mang máy tao nhịp tim, trẻ nhỏ không kiểm soát đư­ợc, người rối loạn tâm thần, người không chịu được điện xung trị liệu. 
     Phương pháp này cũng không áp dụng để điều trị nhiễm khuẩn da có mủ, vùng có viêm tắc mạch, không có cảm giác ở vùng điều trị, các khối u hoặc có nguy cơ chảy máu ở vùng điều trị, hay là bệnh nhân đang sốt cao, bệnh nhân bị tràn dịch các màng như màng ngoài tim, màng phổi.
     Đặc biệt là không được để dòng điện xung đi qua tim, bào thai, não, các vùng trên cơ thể có kim loại.
     PV: Thưa bác sĩ, hiện nay người dân có thể dễ dàng mua một số thiết bị trị bệnh như đèn hồng ngoại, máy châm cứu,… để có thể tự chữa bệnh tại nhà. Việc này có thể dẫn đến nguy hiểm gì cho những bệnh nhân tự mua máy điều trị bệnh tại nhà không thưa bác sĩ?
     Bs. Cù Thị Đức Quỳnh: Trước hết người bệnh cần phải biết là các phương pháp điều trị bằng vật lý thường không mang tính đặc hiệu cho một loại bệnh nào. Một kỹ thuật có thể chỉ định điều trị cho nhiều bệnh và một bệnh có thể sử dụng nhiều phương pháp vật lý khác nhau để điều trị.
     Phải tùy vào từng bệnh và cơ địa của mỗi người bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn các kỹ thuật vật lý trị liệu phù hợp. Việc điều trị có kết quả tốt hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người bệnh. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng là vấn đề mà người bệnh nên lưu ý trong quá trình hỗ trợ điều trị bệnh.
     Việc người dân mua các máy móc về để tự điều trị cho mình là điều không nên. Bởi vì tuy nhìn qua cách thức vận hành có đơn giản nhưng các kỹ thuật này phải được các bác sĩ, các kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, có tay nghề thực hiện thì mới có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Và như đã nói, một bệnh có thể sử dụng nhiều phương pháp vật lý khác nhau để điều trị chứ không phải chỉ sử dụng một phương pháp. Do vậy, khi có bệnh chúng ta nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
     PV: Bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về những nguy cơ có thể gặp phải nếu người bệnh tự điều trị tại nhà?
     Bs. Cù Thị Đức Quỳnh: Có nhiều nguy cơ mà người bệnh có thể gặp phải trong tự điều trị tại nhà bằng các thiết bị y tế. Nguy cơ lớn nhất có thể gặp là bị điện giật vì người sử dụng không nắm vững các bước thao tác vận hành máy an toàn.
     Người bệnh cũng có thể bị tai biến do điều chỉnh tần số, cường độ… không đúng hoặc thời gian trị liệu không phù hợp, không am hiểu về các chỉ định, chống chỉ định của các kỹ thuật điện trị liệu.
     Sử dụng đèn hồng ngoại không đúng cách sẽ dễ dẫn đến tai biến, thường gặp nhất là bỏng da do cường độ tia chiếu quá cao hoặc để đèn chiếu quá gần hoặc do vùng da chiếu của bệnh nhân bị mất cảm giác, hoặc do rơi đèn lên người,... Một số tai biến khác ít gặp hơn như: hoại tử da, đau đầu, ngất, táo bón, ớn lạnh, điện giật, đục thủy tinh thể, …
     PV: Thưa bác sĩ, ngoài điện trị liệu, tại Bệnh viện Y  học cổ truyền Long An còn sử dụng các kỹ thuật điều trị bằng vật lý trị liệu nào?
     Bs. Cù Thị Đức Quỳnh: Ngoài điện trị liệu, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Long An còn sử dụng các tác nhân vật lý khác trong chuyên ngành vật lý trị liệu - phục hồi chức năng như: Nhiệt trị liệu Nóng - lạnh; Nhiệt trị liệu nông như Túi chườm, bó Parafin, ngâm thuốc, hồng ngoại…; Nhiệt trị liệu sâu như siêu âm trị liệu, Sóng ngắn trị liệu… Vận động, kéo giãn cột sống bằng máy, bằng tay. Xoa bóp trị liệu. Laser công suất thấp …
     Với phạm vi chỉ định điều trị và cải thiện các triệu chứng bệnh lý trên lâm sàng rất phong phú và rõ ràng, các quý ông bà, cô bác, anh chị em có bệnh lý, rối loạn chức năng trên cơ thể đến ngay Bệnh viện Y học cổ truyền Long An để được các bác sĩ tư vấn và điều trị, phục hồi chức năng nhằm cải thiện sức khỏe, sớm trở lại với cuộc sống đời thường.
     PV: Xin cảm ơn bác sĩ về buổi trao đổi.
ĐẶNG THUÝ NGA thực hiện

Các tin khác